Bảo vệ trẻ em trước những cạm bẫy trên không gian mạng
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã và đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ xâm hại, án mạng liên quan đến trẻ em có nguyên nhân bắt nguồn từ mạng xã hội. Làm gì để giúp trẻ khai thác tốt sự hữu ích của internet nhằm phục vụ học tập, rèn luyện đồng thời trang bị cho trẻ kỹ năng miễn nhiễm với những thông tin xấu, độc là việc không dễ và cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
I. CÁC QUY ĐỊNH TRẺ EM ĐƯỢC BẢO VỀ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 trẻ em được bảo vệ đặc biệt trên không gian mạng như sau:
+ Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng
+ Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em;
Đồng thời, ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
+ Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
Trên đây là các quy định của pháp luật an ninh mạng về biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Như vậy, Luật An ninh mạng với những điều khoản cụ thể quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã thể hiện sự thống nhất với các luật và quy định khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc trẻ em tiếp xúc với internet quá dễ dàng, thiếu kỹ năng phòng vệ đang là rào cản rất lớn trong công tác bảo vệ các em. Bản thân các phụ huynh cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để định hướng con em mình sử dụng internet và mạng xã hội phù hợp. Do đó, không ít gia đình để con thoải mái sử dụng mạng; nhiều gia đình có quy định giờ giấc cho con dùng các thiết bị thông minh có kết nối internet nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Rất ít gia đình biết xử lý phù hợp giữa việc cho con sử dụng internet, mạng xã hội với thời gian, không gian lành mạnh, đúng mục đích
II. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
1. Những rủi ro và nguy cơ trên không gian mạng
- Thông tin xấu, độc: Trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm.
- Xâm phạm đời tư: Thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa các em.
- Bắt nạt: Các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến các em.
- Xâm hại tình dục: Một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen, và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác.
2. Để giúp cho con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần:
2.1. Tạo nguyên tắc: Trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như:
-Không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ.
- Kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí.
- Đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
2.2. Sử dụng giải pháp công nghệ
- Cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em.
- Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
3.3. Cùng trao đổi, chia sẻ: Điều quan trọng nhất của mọi giải pháp, hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để:
- Biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao.
- Hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp.
- Hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng.
* Gọi tổng đài 111 nếu chính cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cảm thấy bối rối, khó giải quyết, chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.